Home » News » Bitcoin » Cơn sốt tiền số khiến nỗ lực bảo vệ môi trường toàn cầu trở nên vô nghĩa?

Cơn sốt tiền số khiến nỗ lực bảo vệ môi trường toàn cầu trở nên vô nghĩa?

by Linh Nguyen

Thị trường tiền mã hóa càng sôi động, mức tiêu thụ năng lượng cho việc khai thác của mạng lưới càng tăng lên, đồng thời phát thải một lượng lớn khí CO2, góp phần làm hiệu ứng nhà kính trở nên trầm trọng.

Thị trường tiền số nóng lên gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và khí hậu

Đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đạt đỉnh 68.789,63 USD ngày 10/11, phá kỷ lục lập ra vào cuối tháng 10 năm nay. Đà tăng đó cũng góp phần giúp Ethereum, đồng tiền mã hoá lớn thứ hai, tăng lên hơn 4.853 USD/đồng, tương ứng giá trị vốn hóa của đồng tiền đạt 573 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến nay, giá Ethereum tăng vọt 554%, bỏ xa mức tăng 135% của Bitcoin.

Chính sự tăng trưởng này đã khiến nhiều người chạy đua khai thác tiền số, làm mức tiêu thụ năng lượng của toàn mạng lưới tăng cao. Năng lực khai thác (hashrate) của Bitcoin được đẩy nhanh và nhiều khả năng sẽ lập đỉnh mới, cùng với đó là mức tiêu thụ năng lượng kỷ lục, theo dữ liệu từ Đại học Cambridge của Anh.

Hệ thống Bitcoin sử dụng lượng điện tương đương cả nước Hà Lan, một thực tế khó chịu giữa lúc các lãnh đạo thế giới tham gia hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland.

Khai thác tiền số tiêu thụ năng lượng như thế nào?

Bitcoin và Ethereum đang vận hành theo phương thức bằng chứng công việc (PoW), thợ khai thác những đồng tiền số này sử dụng máy tính để giải các bài toán phức tạp nhằm xác thực giao dịch và được nhận phần thưởng là đồng tiền mới. Phương thức này đòi hỏi hệ thống máy tính cấu hình cao hoặc thiết bị chuyên dụng, vốn tiêu tốn điện năng.

Điều đó lý giải cho việc giá Bitcoin càng cao, hoạt động khai thác càng hấp dẫn. Doanh thu của giới thợ đào Bitcoin trong tháng 10 tăng vọt lên 1,72 tỷ USD, gần bằng đỉnh 1,75 tỷ USD lập hồi tháng 3.

Hashrate và tiêu thụ năng lượng sẽ sớm đạt đỉnh mới với mức giá Bitcoin hiện nay, khi ngày càng nhiều người tham gia đào

Alex de Vries, người sáng lập công ty dịch vụ dữ liệu năng lượng Bitcoin Digiconomist, cho hay.

Không chỉ sử dụng lượng điện năng khổng lồ, quá trình khai thác tiền mã hóa cũng tạo ra nhiều chất thải điện tử, trong bối cảnh giới thợ mỏ liên tục thay máy móc cũ bằng sản phẩm mới có hiệu suất cao hơn. Báo cáo của Digiconomist cho thấy một giao dịch Bitcoin có thể tạo ra lượng chất thải bằng vứt bỏ hai điện thoại iPhone.

Những “giải pháp xanh” đang dần được thay thế

Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành khai thác Bitcoin đang tìm cách chuyển dịch sang nguồn năng lượng tái tạo và thành lập Hội đồng Khai thác Bitcoin (BMC) để thúc đẩy hoạt động đào tiền mã hóa xanh hơn.

Theo dữ liệu thống kê năm 2020 của Đại học Cambridge ước tính, khoảng 40% hoạt động khai thác Bitcoin dùng nguồn năng lượng xanh. BMC tháng trước cho biết tỷ lệ này hiện đã tăng lên 58%, biến đào Bitcoin trở thành một trong những ngành công nghiệp xanh nhất thế giới.

Lệnh cấm khai thác và giao dịch tiền kỹ thuật số ở Trung Quốc tháng 9 vừa qua cũng ảnh hưởng rất lớn, do phần lớn hoạt động khai thác ở nước này dựa vào nguồn nhiệt điện than đá. Sau khi lệnh cấm của chính quyền được đưa ra, nhiều thợ đào tiền số đã chuyển sang Mỹ, nơi năng lượng tái tạo là nguồn cấp điện rẻ nhất. 

Ethereum cũng đang chuẩn bị cho đợt nâng cấp đầy tham vọng là Ethereum 2.0 với mạng lưới sẽ chuyển sang phương thức bằng chứng cổ phần (PoS), dựa vào những người đã nắm giữ tiền mã hóa để xử lý giao dịch mới. Phương thức này không đòi hỏi hệ thống máy tính tiêu tốn điện nên thân thiện với môi trường hơn PoW hiện nay.

Tổng hợp và biên tập.