Sau nhiều động thái trấn áp hoạt động khai thác và giao dịch tiền số tại Trung Quốc, các thợ đào coin đã tìm tới những đất nước khác để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp đang trên đà tăng trưởng này, trong đó có Kazakhstan.
Quốc gia Trung Á với 19 triệu dân này đã trở thành điểm khai thác Bitcoin lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ chỉ trong vài tháng gần đây do nguồn điện giá rẻ. Vì thế, chính phủ Kazakhstan đang vật lộn để đáp ứng nhu cầu năng lượng của ngành công nghiệp khai thác tiền điện tử đang bùng nổ.
Theo thông báo mới được đưa ra, Kazakhstan sắp có kế hoạch truy quét những người đào coin chưa đăng ký, bởi những người này được cho là có thể tiêu thụ điện năng gấp đôi so với những người khai thác đã đăng ký chính thức. Bộ Năng lượng cho biết hoạt động đào coin bất hợp pháp có thể tiêu thụ tới 1,2 GWt điện, cùng với 600 MWt của thợ mỏ hợp pháp, tổng số này lên tới khoảng 8% tổng công suất phát điện của Kazakhstan.
Thứ trưởng Bộ Năng lượng Murat Zhurebekov chia sẻ: “Chúng tôi sẽ cố gắng ban hành chỉ thị hạn chế những người khai thác chưa đăng ký trước cuối năm nay. Vấn đề này không thể trì hoãn lâu hơn nữa”. Cách thức xác định vị trí của các thợ đào coin bất hợp pháp không được công bố, tuy nhiên các nguồn tin nói rằng các ký hiệu nhiệt của họ có thể được phát hiện bởi các vệ tinh.
Một số thợ mỏ chưa đăng ký đang suy nghĩ đến việc hợp pháp hoá nhưng lại không chắc rằng mình có thể bị đánh thuế nặng như thế nào. Các sửa đổi mã số thuế được thông qua vào tháng 6 quy định mức thuế là 1 Tenge (0,0023 USD) mỗi kilowatt giờ. Cũng có các đề xuất khiến các thợ mỏ phải trả nhiều tiền hơn cho năng lượng.
“Mức thuế mà chính phủ dự định đưa ra các thợ mỏ có thể đủ khả năng trả. Nhưng chúng tôi vẫn chưa rõ liệu họ có thể yêu cầu thêm bất kỳ điều gì không”, một thợ mỏ bất hợp pháp cho hay.
Kazakhstan có một trong những mỏ than lớn nhất thế giới, Bogatyr, và thị trấn Ekibastuz gần đó đã phát triển rất nhanh nhờ vào ngành công nghiệp than. Một số thợ đào tiền điện tử nói rằng chính phủ có thể để ngành công nghiệp của họ bù thuế bằng các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Trong khi một số người coi tiền điện tử là cách để kiếm tiền nhanh chóng thì nhiều Chính phủ lo ngại rằng các loại tiền kỹ thuật số do tư nhân vận hành sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ, thúc đẩy tội phạm tài chính và làm tổn thương các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc khai thác tiền điện tử là một quy trình tính toán yêu cầu nhiều năng lượng để xử lý nên chúng có thể tác động nghiêm trọng đến các mục tiêu môi trường toàn cầu.
Tổng hợp và biên tập.