Trung Quốc thời gian qua đã mạnh tay trấn áp hoạt động khai thác và giao dịch tiền điện tử như Bitcoin, trong khi NFT và metaverse vẫn hoạt động trong vùng xám.
Gần đây, lãnh đạo các Ngân hàng nước này đã phát biểu cho rằng tính phi tập trung và ẩn danh khiến NFT hay metarverse có thể thành công cụ của tội phạm và khủng bố.“Tài sản ảo mang tính phi tập trung, ẩn danh và không có biên giới. Chúng được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch phi pháp như tống tiền, buôn ma túy, đánh bạc, rửa tiền, cung cấp tài chính cho khủng bố, trốn thuế và chuyển tiền xuyên biên giới”, Gou Wenjun, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Giám sát Chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nói trong một diễn đàn tài chính ở Thượng Hải tháng này.
Theo ông Wenjun, phương thức sở hữu tài sản kỹ thuật số như tiền mã hóa, NFT và vật phẩm ảo trong metaverse sẽ liên tục thay đổi. “Chúng tách biệt với thế giới thật và có khả năng vận hành liên kết ở mức độ nào đó, khiến tài sản ảo rất dễ trở thành công cụ rửa tiền”, ông nói.
Trung Quốc đã mạnh tay trấn áp hoạt động khai thác và giao dịch tiền điện tử như Bitcoin, trong khi NFT và metaverse vẫn hoạt động trong vùng xám. Phát biểu của ông Wenjun đánh dấu lần đầu giới chức ngân hàng Trung Quốc công khai nhắm tới metaverse.
Hơn 50 cơ quan pháp lý tại Trung Quốc đã lên kế hoạch hoặc đang thành lập khuôn khổ quản lý tài sản ảo, trong đó có hệ thống giấy phép dành cho chủ sở hữu và người vận hành tài nguyên kỹ thuật số.
Bắc Kinh cũng đang giám sát NFT, chứng chỉ kỹ thuật số được đăng ký trong một blockchain, đại diện cho quyền sở hữu tài sản như tác phẩm nghệ thuật hoặc đồ sưu tầm. Đặc tính của NFT khiến nó có giá trị như đồ lưu niệm hoặc hiện vật sưu tầm như ngoài đời thực.
“Cơ quan chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ củng cố hợp tác và chia sẻ thông tin với các lực lượng hành pháp, đồng thời giám sát và ngăn chặn việc gây quỹ trái phép, lừa đảo, rửa tiền và những hoạt động tội phạm dưới danh nghĩa phát triển công nghệ tài chính”, ông Wenjun nói thêm.
Bất chấp những cảnh báo từ giới chức, nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Trung Quốc đang chào đón NFT và metaverse như một xu hướng không thể bỏ lỡ. Tencent Holdings hồi tháng 8 triển khai nền tảng giao dịch NFT Huanhe, trong khi Ant Group ra mắt nhiều tác phẩm NFT như tranh và đồ cổ kỹ thuật số. Dù vậy, cả hai đều gọi sản phẩm của mình là “đồ sưu tầm kỹ thuật số” nhằm tránh chọc giận chính quyền.
Cùng lúc đó, Tencent, Alibaba, Baidu và NetEase chạy đua đăng ký hàng trăm thương hiệu liên quan tới metaverse. CEO NetEase Ding Lei gần đây tuyên bố công ty của ông đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp đầu tiên triển khai những hoạt động liên quan đến metaverse tại Trung Quốc.
Theo VnExpress.